Hiện nay một số hộ nông dân của huyện Thanh Hà đã tìm cách tạo ra sản phẩm nhãn trái vụ. Sản phẩm làm ra đều được người tiêu dùng đón nhận tích cực, cung không đủ cầu. Điều này vừa nhằm giảm áp lực tiêu thụ trong bối cảnh nhiều loại trái cây bước vào vụ thu hoạch, tránh rơi vào tình trạng được mùa, mất giá.
Vườn nhãn nhà ông Phạm Văn Đượng thôn Tiên Kiều xã Thanh Hồng
Có dịp về thăm vườn nhãn của ông Phạm Vặn Đượng ở xóm 1 thôn Tiên Kiều xã Thanh Hồng, chúng tôi bị cuốn hút bởi vườn nhãn Hương Chi của ông Đượng cây nào cây nấy sai trĩu quả. Điểm khác biệt của vườn Nhãn nhà ông Đượng là cho thu hoạch vào tầm tháng 9 khi đó hầu hết những loại trái cây khác bao gồm cả Nhãn của các hộ dân trong vùng đều đã không còn. Ông Đượng không cần lo lắng về việc cạnh tranh đầu ra cho sản phẩm. Ông Đượng cho biết: Gia đình ông có hơn 30 gốc Nhãn với diện tích 4 sào trồng giống Nhãn Hương Chi. Với kinh nghiệm 17 năm trồng Nhãn trái vụ, ông Đượng đã quen thuộc với từng giai đoạn, thời kỳ chăm sóc để cây ra quả theo đúng thời điểm. Có 2 thời điểm để nhãn cho quả trái vụ là tháng 3 hoặc tháng 9 dương lịch. Nếu làm trái vụ vào tháng 3, sau khi thu hoạch ông sẽ vệ sinh vườn cây, cắt tỉa cành tăm, cành trong tán, trên cành lộc ra chỉ để 2 nhánh. Đến khoảng tháng 8 tưới thuốc để kích thích cho cây phân hóa mầm hoa. Trong vòng 30 đến 35 ngày sau khi áp dụng kỹ thuật, nhãn sẽ ra hoa và bắt đầu chăm bón.
Vụ nhãn năm 2022, ông Đượng thu hoạch 3,5 tấn nhãn, giá trị thu về hơn 60 triệu đồng. Năm nay vườn nhãn nhà ông Đượng tiếp tục được mùa, ông nhẩm tính với 32 gốc nhãn, sản lượng năm nay tương đương năm trước. Nhờ thành thục kỹ thuật làm quả trái vụ nên những năm gần đây, sản lượng và giá bán nhãn Hương Chi của ông Đượng luôn ổn định. Giá thấp nhất tại vườn 25.000 đồng/kg, cao điểm lên đến 30.000 đồng/kg, cao gấp đôi, gấp 3 so với nhãn chính vụ, có những năm ông Đượng thu trên 70 triệu đồng nhờ trồng nhãn trái vụ.
Một ưu điểm của giống nhãn Hương chi là ra rất nhiều đợt hoa, gặp thời tiết không thuận lợi, nếu đợt hoa đầu không đậu thì có đợt hai, đợt ba, do đó năng suất ổn định hơn các giống nhãn khác, sản lượng thu hoạch càng về vụ sau càng cao hơn những vụ trước.
Còn đối với gia đình bà Đặng Thị Thanh ở khu 4 thị trấn Thanh Hà, quy trình làm nhãn trái vụ được bà Thanh áp dụng 5 năm nay. Bà Thanh cho biết gia đình bà có hơn 1 mẫu vườn trồng 130 gốc nhãn chủ yếu là nhãn nước và Hương Chi. Niên vụ 2022 – 2023 gia đình bà Thanh áp dụng kỹ thuật trái vụ cho 13 cây nhãn nhưng chỉ có 3 cây là ra quả sớm, cho thu hoạch trước khi có nhãn chính vụ từ 20 đến 30 ngày, các cây còn lại đều không đạt.
Những cây nhãn trái vụ nhà bà Thanh bắt đầu cho thu hoạch
Với diện tích hơn 1 mẫu, vụ nhãn năm nay gia đình bà Thanh dự kiến thu hoạch trên 5 tấn nhãn, trong đó có khoảng 3 tạ nhãn bán sớm, sản lượng nhãn sớm tăng gấp 6 lần so với năm trước. Giá bán sớm đầu vụ thường cao gấp 3 lần so với chính vụ.
Cũng với diện tích này, vụ nhãn năm trước gia đình bà Thanh thu được 100 triệu đồng. So với vải, việc trồng nhãn vừa tiết kiệm chi phí, không phải lo lắng về đầu ra. Nhờ làm chủ được kỹ thuật để nhãn ra hoa, đậu quả trái vụ và thu hoạch, những cây nhãn sớm nhà bà Thanh đã bắt đầu cho thu hoạch, trong khi còn khoảng gần 1 tháng nữa mới tới mùa thu hoạch nhãn chính vụ. Thương lái quen từ những năm trước đều đã đến vườn thăm, nhận đặt cây chỉ chờ ngày hái quả và trả tiền.
Nhờ nhanh nhạy trong cách nghĩ, cách làm, việc trồng nhãn trái vụ đã và đang mang lại thu nhập khá cho một số hộ nông dân trong huyện. Nâng cao giá trị cho cây trồng. Bên cạnh đó sẽ giảm áp lực tiêu thụ trong bối cảnh nhiều loại trái cây bước vào vụ thu hoạch, tránh rơi vào tình trạng được mùa, mất giá ./.
Lương Hà