Ngày 18/8/2022, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện vừa ban hành công văn số 34/NN&PTNT chỉ đạo, hướng dẫn biện pháp quản lý lúa cỏ.
Hình ảnh Lúa cỏ( lúa ma) ảnh: Internet
Theo đó để ngăn chặn lúa cỏ xâm nhập vào địa bàn, các hộ nông dân cần chú ý sử dụng giống lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng. Loại bỏ hạt lép lửng trước khi ngâm ủ. Nên cấy tay hoặc cấy bằng máy để dễ làm cỏ sục bùn, loại bỏ lúa cỏ ngay từ khi cây còn nhỏ.
Những khu vực đã nhiễm nặng lúa cỏ nhiều cần chuyển sang canh tác những loại cây khác để dễ dàng nhận biết, loại bỏ hầu hết lúa cỏ sau từ 1-2 vụ. Đặt lưới chắn khi lấy nước làm đất để thu gom và tiêu hủy hạt lúa cỏ. Đồng thời có thể lồng bừa nông, san phẳng rồi rút cạn nước ruộng như gieo mạ để nhử lúa cỏ nẩy mầm và diệt trừ. Vệ sinh máy gặt, máy cày để hạt lúa cỏ không theo máy móc lây lan sang khu ruộng khác. Cắt các bông lúa cỏ khi mới trỗ đem tiêu hủy hoặc cho gia cầm ăn. Tuyệt đối không được để bông lúa cỏ đã sắp chín trên ruộng, hoặc vứt xuống kênh mương dẫn nước. Khi gặt xong có thể đưa vịt vào ruộng để ăn các hạt lúa rụng trên ruộng trong đó có cả hạt lúa cỏ. Những ruộng nhiễm nặng lúa cỏ không cho thu hoạch cần tiêu hủy toàn bộ ruộng bằng cách cắt cho gia súc ăn hoặc cày vùi.
Lúa cỏ còn có nhiều tên gọi khác như lúa ma, lúa hoang, lúa dại. Hạt có râu dài hoặc không có râu, có hình dạng thon dài hoặc bầu dục. có mầu vàng hoặc vàng sẫm. Lúa cỏ không cho năng suất, chất lượng mà con người mong muốn. Trong khi đó nó gây ảnh hưởng đến canh tác lúa thông qua việc cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng làm giảm sinh trưởng của cây lúa trồng, giảm chất lượng hạt thóc, gạo. Lúa cỏ có thời gian sinh trưởng ngắn, chín sớm, hạt rất dễ rụng nên có khả năng lây lan nhanh, khó phòng trừ và có thể gây thất thu năng suất, thậm chí mất trắng ./.
Lương Hà