Trong khi nhiều nơi nông dân không mặn mà với đồng ruộng vì sản xuất manh mún, không hiệu quả thì ở một số nơi vẫn có những người không quản ngại khó khăn thuê lại từng thửa ruộng bỏ hoang đầu tư để cấy lúa, trồng cây mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mỗi vụ Ông Nguyễn Kim Cương thu hoạch từ 60 – 70 tấn thóc từ thửa ruộng lớn
Vụ mùa này là năm thứ 7 gia đình ông Nguyễn Kim Cương thôn Cổ Chẩm, xã Việt Hồng sản xuất trên khu ruộng tập trung rộng gần 30 ha thuê lại từ người dân và chính quyền địa phương. Ông Cương cho biết: Diện tích này đa số đều bị bỏ hoang không cấy. Nhìn những mảnh ruộng bỏ hoang không canh tác, ông Cương cảm thấy rất lãng phí. Tiếc đất bỏ hoang và tính toán được việc sản xuất quy mô lớn sẽ cho giá trị cao hơn nên ông Cương đã đề xuất với xã thuê lại 4ha ruộng công điền. Vợ chồng ông còn đến từng hộ dân để trình bày nguyện vọng thuê ruộng để sản xuất.
Lãnh đạo xã Việt Hồng đồng tình, người dân cũng đồng ý cho ông Cương thuê đất trong vòng 5 năm với giá thuê mỗi năm từ 20 đến 30kg thóc/sào. Mọi thủ tục về thuê đất được chính quyền và người dân tạo điều kiện thuận lợi nhất. Vì ruộng đã bỏ hoang nhiều năm nên ông Cương bỏ ra khá nhiều thời gian để phá bờ thửa, cải tạo đồng đều cốt đất, san phẳng mặt ruộng, củng cố lại bờ vùng, xử lý cỏ dại nhằm tạo thuận lợi cho đưa cơ giới vào sản xuất, chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh. Để có thể sản xuất trên diện tích 30 ha, ông đã vay mượn, đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng. Mọi việc ông Cương làm đều có sự đồng thuận từ phía gia đình nên diễn ra khá thuận lợi.
Theo đó ông Cương đã thuê máy múc đào đắp 900 m bờ vùng chính, đắp bờ rộng 3m, cao 1m so với chân ruộng. Sau đó, tiếp tục đắp toàn bộ hệ thống mương bao gồm 1 mương chính dài 600 m và 3 con mương ngang, mỗi mương dài hàng trăm mét có sẵn đều được nạo vét hoặc đào mở rộng để điều tiết nước vào, nước ra chống ngập úng. Phát dọn quang cỏ dại, san gạt bằng phẳng mặt ruộng để cấy lúa. Ông còn mua 2 máy cày, 3 máy bơm công suất lớn và 2 máy tuốt lúa để phục vụ nhu cầu sản xuất. Suốt mùa khô năm 2013, cả cánh đồng bãi soi như một công trường cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng.
Ông Cương hồ hởi cho biết: Với diện tích 30ha, tôi quy hoạch 25ha cấy 2 vụ lúa với 2 giống chủ lực là Nếp cái hoa vàng cấy vụ mùa và lúa tẻ chất lượng cấy vụ chiêm. 5ha còn lại trồng cây ăn quả chủ yếu là Mít và Chuối. Vụ chiêm năm 2014 là vụ đầu tiên gia đình ông canh tác trên thửa ruộng lớn này. Do có sẵn kinh nghiệm canh tác những thửa ruộng lớn nên vụ đầu tiên gia đình ông thu lãi 200 triệu đồng nhờ trồng lúa. Ngoài ra còn thu hàng chục triệu đồng từ trồng Chuối. Đến nay sau 7 năm canh tác ổn định, mỗi vụ gia đình ông thu hoạch khoảng 60 tấn thóc. Riêng vụ mùa việc canh tác hiệu quả hơn nên năng suất cũng đạt cao hơn vụ chiêm. Vụ mùa năm 2019 ông thu hoạch 70 tấn thóc Nếp. Thóc tươi sau thu hoạch đều được thương lái đến thu mua với giá 10 ngàn đồng 1kg, thu nhập 700 triệu đồng. Trừ chi phí ông thu lãi từ 350 – 400 triệu đồng/vụ. Ngoài lúa, vùng cây ăn quả, chủ yếu là mít cũng bắt đầu cho thu hoạch.
Vụ mùa năm nay 100% diện tích tiếp tục được ông cấy lúa nếp. Để canh tác hiệu quả tất cả các khâu từ làm đất, bơm nước đến phun thuốc BVTV đều được gia đình ông thực hiện bằng máy. Ông Cương còn thuê công ty bảo vệ thực vật tiến hành phun thuốc sâu bằng phương tiện bay không người lái cho toàn bộ diện tích lúa của gia đình, với chi phí 25 nghìn đồng/sào. Ông cho biết, sử dụng phương pháp này rất hiệu quả, thuốc phun đều, đậm đặc và tiết kiệm hơn rất nhiều so với phun thuốc bằng tay. Hiện nay còn duy nhất khâu gieo cấy vụ mùa chưa thể áp dụng được cơ giới hóa vì phần lớn các thửa ruộng bị trũng, không thể cấy máy. Thời điểm này lúa mùa của gia đình ông đang ở thời kỳ làm đòng, ông và gia đình thường xuyên theo dõi khuyến cáo của chuyên môn để phòng trừ sâu bệnh kịp thời, đảm bảo năng suất, chất lượng lúa.
Cũng nhờ tích tụ ruộng đất mà ông Nguyễn Quang Tý ở thôn Xuân Áng xã Thanh Xuân có trong tay 6 mẫu vườn ngoài bãi soi thôn Xuân Áng chuyên trồng Ổi và các cây ăn quả có giá trị. Ông Tý cho biết, toàn bộ diện tích này được gia đình mua bán, trao đổi với nhiều hộ dân khác trong xã. Chia sẻ về ý tưởng của mình ông Tý cho biết: Tôi từng là người lính, được giáo dục, rèn luyện về truyền thống đấu tranh của dân tộc nên tôi hiểu rất rõ những giá trị của đất đai mang lại. Trước khi xây dựng mô hình, gia đình có mấy sào ruộng cấy, mặc dù hiệu quả tuy nhiên sản xuất nhỏ lẻ, manh mún không thuận lợi cho việc chăm sóc đồng bộ. Muốn hiệu quả cần phải quy thành vùng, đầu tư bài bản, áp dụng khoa học và ứng dụng giống mới vào sản xuất. Nghĩ là làm, để có được mảnh ruộng liền thửa từ những năm 1998 ông chấp nhận đổi những mảnh ruộng tốt trong đồng để lấy những miếng ruộng trũng ngoài bãi soi cỏ mọc ngang người vì bị bỏ hoang không canh tác. Ban đầu 6 mẫu ruộng gia đình ông cấy lúa, song vì ruộng trũng nên năng suất không cao, ông quyết định bốc vồng chuyển sang trồng sắn dây. Trồng sắn dây rất hiệu quả, nhưng đến năm 2009 nhiều hộ trồng, thị trường bão hòa nên năm 2010 ông chuyển hết diện tích sang trồng Ổi.
Hàng ngày Ông Nguyễn Quang Tý tích cực chăm sóc cho thửa ruộng 6 mẫu của gia đình
Nhờ mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm kinh tế gia đình ông Tý đã dần khấm khá. Mỗi năm gia đình ông thu lãi từ 250 đến 300 triệu đồng từ kinh tế vườn. Nắm bắt được xu hướng và tận dụng lợi thế của địa phương, mới đây ông Tý tiếp tục đầu tư 400 triệu đồng để đắp bờ, cải tạo 3 mẫu vườn thành mảnh ruộng trồng lúa hữu cơ và khai thác Rươi, Cáy tự nhiên.
Lương Hà